×

6 tháng đầu năm 2024, Hải Dương có 4.235 cặp kết hôn thì có tới 2.696 vụ ly hôn

Tổng số vụ án hôn nhân gia đình chiếm khoảng 61% tổng số vụ án Tòa án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh thụ lý. Từ năm 2023 đến nay số vụ ly hôn bằng hơn 52% so với tổng số cuộc kết hôn.

Theo Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương, từ ngày 1/10/2023 đến 30/6/2024, Tòa án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh thụ lý 4.051 vụ án hôn nhân và gia đình, trong đó giải quyết 3.377 vụ. Tổng số vụ án hôn nhân gia đình chiếm khoảng 61% tổng số vụ án Tòa án Nhân dân 2 cấp trong tỉnh thụ lý.

Hầu hết các vụ án hôn nhân gia đình là đề nghị giải quyết ly hôn. Trong tổng số 4.051 vụ có 615 vụ Tòa án Nhân dân tỉnh thụ lý; 3.436 vụ Tòa án Nhân dân cấp huyện thụ lý.

Cụ thể, số vụ án hôn nhân gia đình do Tòa án Nhân dân cấp huyện thụ lý ở các địa phương như sau: TP Hải Dương 643 vụ, TP Chí Linh 390 vụ, thị xã Kinh Môn 332 vụ, các huyện Tứ Kỳ 320 vụ, Thanh Hà 312 vụ, Kim Thành 263 vụ, Cẩm Giàng 222 vụ, Thanh Miện 204 vụ, Ninh Giang 200 vụ, Nam Sách 192 cụ, Bình Giang 180 vụ, Gia Lộc 178 vụ.

tm-img-altChỉ vì những lý do rất vớ vẩn mà nhiều cặp vợ chồng ra tòa ly hôn

Tòa án Nhân dân tỉnh Hải Dương đánh giá nguyên nhân chủ yếu các vụ án hôn nhân gia đình là do vợ chồng bất đồng với nhau về quan điểm sống hoặc do một bên đang ở nước ngoài thiếu quan tâm đến nhau, không thống nhất với nhau trong kinh tế gia đình.

Theo số liệu tại tọa đàm “Xây dựng gia đình công chức, viên chức, người lao động no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh” do Liên đoàn Lao động tỉnh Hải Dương tổ chức mới đây, năm 2023 toàn tỉnh Hải Dương có 10.674 cặp kết hôn, 5.071 vụ ly hôn. 6 tháng đầu năm 2024, có 4.235 cặp kết hôn, 2.696 vụ ly hôn. Như vậy, số vụ ly hôn bằng hơn 52% so với tổng số cuộc kết hôn trong tổng thời gian nêu trên. Ly hôn chủ yếu nằm trong các gia đình công nhân, viên chức, lao động.

Các chuyên gia tâm lý đánh giá về nguyên nhân của tình trạng ly hôn hiện nay:

Chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn đã nhấn mạnh, nhiều gia đình đổ vỡ vì không cố điểm ‘chạm’. Sự gắn kết trong tình cảm đôi lứa có phần ngày càng lỏng lẻo. Nguyên nhân do ngày nay xã hội phát triển có nhiều thức cần quan tâm hơn chứ không chỉ lấy vợ, lấy chồng mà còn sự nghiệp, phát triển bản thân, mối quan hệ bên ngoài… Điều này cũng dẫn tới xu hướng kết hôn muộn ở giới trẻ ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, nhiều người “cái tôi” lớn, sở hữu kỹ năng, trình độ cao… khiến hai người thấy không cần nhau nhiều lắm. Với các gia đình trẻ ở nông thôn khó khăn về kinh tế là sự li tán vì xuất khẩu lao động, làm ăn xa nhà… Khi không có “chạm” – tương tác, chia sẻ sẽ không có sợi dây để gắn kết. Đó là những thách thức của gia đình trẻ hiện nay cần phải khắc phục.

Con số tỷ lệ ly hôn lớn trong cộng đồng không đáng ngại mà quan trọng là tập trung vào việc xây dựng các giá trị cốt lõi về hạnh phúc. Mục đích là giúp các gia đình được hạnh phúc chứ không phải là giảm tỷ lệ ly hôn bởi nếu ly hôn để bớt đi bạo lực, vụ án… thì ly hôn vẫn tích cực” – chuyên gia tâm lý Đinh Đoàn nhấn mạnh.

Anh Ngô Minh Uy (Chuyên gia tham vấn tâm lý, Giám đốc trung tâm tâm lý chuyên nghiệp Welink, Phụ trách Ban đào tạo, Hội Khoa học Tâm lý – Giáo dục TP. HCM (PESAH)) cho biết: “Qua kinh nghiệm làm việc của mình, tôi nhận định khủng hoảng hôn nhân chủ yếu đến từ các nguyên nhân như: Thiếu sự tìm hiểu và chuẩn bị đầy đủ trước khi bước vào đời sống hôn nhân; thiếu khả năng đối thoại và giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cuộc sống hôn nhân; thiếu cam kết trong một mối quan hệ; bất mãn và mâu thuẫn trong việc giáo dục con cái. Gần đây, chúng tôi cũng đang thiết kế chương trình “Hôn nhân khỏe mạnh” để tập trung giải quyết những vấn đề kể trên, tập trung phát triển con người cá nhân, xây dựng tương tác và nuôi dưỡng con cái khỏe mạnh”.

TS xã hội học, chuyên gia tâm lý Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia Phân viện TP.HCM) cũng chỉ ra các nguyên nhân chính ảnh hưởng đến mối gắn kết và tính bền vững của gia đình Việt là: yếu tố ngoại tình đang có nguy cơ gia tăng; dư luận xã hội đối với vấn đề ly hôn đã không còn gay gắt như trước; xung đột về quan điểm sống, lối sống; con người ngày càng đề cao tự do cá nhân. Đặc biệt, chị Thúy cũng nhấn mạnh rằng đang có một xu hướng là các cặp vợ/chồng chủ động ly hôn là vì không muốn con cái bị ảnh hưởng tâm lý khi sống trong một gia đình không hòa hợp, êm ấm.

Nói về việc gia đình trẻ Việt đang ngày càng thiếu sự gắn bó và bền vững, chị Phạm Thị Thúy nhận định: “Người ta đánh giá một cách khá thẳng thắn rằng sự tồn tại bền vững, lâu bền của tình yêu, hôn nhân gia đình thời hiện đại khó hơn rất nhiều so với ngày xưa. Xu hướng này có hai mặt. Thứ nhất là mặt tốt, người ta không chấp nhận những cuộc hôn nhân độc hại và sẵn sàng rời bỏ nó để đi tìm một hạnh phúc mới, tìm sự tự do cho bản thân họ và cũng giải phóng cho các con nữa.

Nhưng về mặt tiêu cực, một số cặp đôi hiện nay ly hôn quá vội vàng. Ly hôn vì tự ái cá nhân, ly hôn vì một mâu thuẫn rất nhỏ chưa chịu tìm cách giải quyết, ly hôn vì ảnh hưởng bởi bố mẹ chồng hay bố mẹ vợ. Những ca ly hôn như vậy tôi thấy rất tiếc và tôi đã thành lập cái group “Hạnh phúc gia đình” để chia sẻ kinh nghiệm làm sao cho vợ chồng biết cách hòa hợp trong hôn nhân, biết cách bảo vệ cái hôn nhân của họ. Chứ nếu cứ vì một chút mâu thuẫn, một chút căng thẳng, một chút khó khăn mà đã ly hôn thì chắc chắn cuộc đời mỗi người sẽ phải ly hôn rất nhiều lần.

Trong thời gian tới nếu như không có sự điều chỉnh kịp thời từ các yếu tố chính sách cũng như giáo dục, tuyên truyền thì sợ rằng xu hướng ly hôn sẽ tạo ra bất ổn cho những đứa trẻ sống trong điều kiện bố mẹ ly hôn, vì trẻ em là đối tượng thiệt thòi nhất trong vấn đề này”.

Related Posts

Our Privacy policy

https://tindaily247.com - © 2024 News