Nam ĐịnhMột ngày sau khi ăn tiết canh lợn, người đàn ông 50 tuổi sốt cao, rét run, toàn thân tím tái, tử vong do nhiễm liên cầu lợn.

Ăn tiết canh đã luộc, người đàn ông vẫn sốc nhiễm khuẩn liên cầu lợn tử vong  - Báo Phụ Nữ

Đại diện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết bệnh nhân tiền sử khỏe mạnh. Hôm 20/1, anh cùng bạn bè mổ lợn, làm cỗ liên hoan tất niên, trong đó có món tiết canh. 24 tiếng sau, người bệnh cảm thấy đau mỏi, tiêu chảy kèm sốt cao, toàn thân tím tái, được người nhà đưa đến Bệnh viện huyện Giao Thủy, sau đó chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Nam Định. Hiện chưa rõ tình trạng sức khỏe của những người tham gia bữa tiệc.

Các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị sốc nhiễm khuẩn, theo dõi liên cầu lợn (Streptococcus suis), chỉ định dùng kháng sinh, vận mạch, đặt ống nội khí quản thở máy, chuyển cấp cứu lên Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Khoa Hồi sức Tích cực tiếp nhận bệnh nhân trong tình trạng thở oxy, đồng tử hai bên giãn, huyết áp không đo được, toàn thân nổi vân tím, ban xuất huyết hoại tử vùng mặt, tay, chân. Người bệnh được cấp cứu ngừng tuần hoàn, tim đập trở lại. Tuy nhiên, sau hồi sức tích cực, tình trạng không cải thiện, anh tử vong hôm 23/1.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Phương, Phó trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, nhận định nguyên nhân bệnh nhân tử vong là sốc nhiễm khuẩn do liên cầu lợn, suy đa tạng, rối loạn đông máu nặng.

Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ động vật sang người, chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người. Hầu hết ca bệnh đều liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín. Một số trường hợp không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh. Nguyên nhân là ăn thịt lợn nhiễm bệnh tái sống, hoặc tiếp xúc với lợn bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến.

Vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Vì thế, để phòng bệnh, người dân không nên giết mổ lợn ốm chết, không xử lý thịt sống mà không có bao tay bảo vệ, nhất là khi có vết thương.

Người bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn có thể bị nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy từng thể mà bệnh diễn biến nặng hay nhẹ, có trường hợp ngay từ đầu đã nhiễm khuẩn nặng.

Thời gian ủ bệnh có thể vài tiếng đến 4-5 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Dấu hiệu là sốt nóng, lạnh, buồn nôn, nôn và đi ngoài nhưng không đi nhiều lần, dễ lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Người bệnh cũng có biểu hiện đau đầu, ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ.

Bệnh được điều trị bằng kháng sinh, thời gian kéo dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn. Bệnh nhân bị liên cầu khuẩn lợn thể viêm màng não mủ có thể phải điều trị ít nhất ba tuần; nhiễm khuẩn huyết phải điều trị đến hai tháng, chi phí hàng trăm triệu đồng.

Tỷ lệ tử vong do nhiễm liên cầu lợn là khoảng 7%. Nếu bệnh nhân được cứu sống, tỷ lệ di chứng cũng rất cao, khoảng 40%.