Đến hiện tại, nhiều trường đại học đã công bố điểm chuẩn năm 2024 theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm thi Tốt nghiệp THPT. Nhìn chung, điểm chuẩn năm nay của nhiều trường đều tăng khiến thí sinh rơi vào tình trạng dù đạt điểm cao nhưng vẫn có nguy cơ trượt đại học.
Qua tìm hiểu, ngành có điểm chuẩn cao nhất là Sư phạm Lịch sử và Sư phạm Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội với 29,3 điểm (trung bình 9,76 điểm mỗi môn). Với mức điểm cao bất ngờ này, thí sinh đạt 9,7 điểm vẫn trượt nguyện vọng đăng ký vào những ngành này.
Nhóm ngành sư phạm văn, sử, địa năm nay phá vỡ mọi kỷ lục điểm chuẩn trước đó của các trường.
Điểm chuẩn khối C ở nhiều trường đại học lớn như Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội và TP.HCM), Học viện Báo chí tuyên truyền… cũng ở mức 9,5 điểm mỗi môn vẫn trượt.
Cụ thể, trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM) công bố điểm chuẩn trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2024 với ngành có điểm trúng tuyển cao nhất với 28,8 điểm là ngành báo chí.
Tiếp đến là quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành với 28,33 điểm, ngành văn hóa học 28,2 điểm, ngành nghệ thuật học 28,15 điểm và ngành lịch sử với 28,1 điểm.
Lý giải hiện tượng điểm chuẩn tăng “đột biến”, chia sẻ với VTC News, PGS Đặng Thị Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, kỳ thi tốt nghiệp năm nay, cả nước có gần 1,1 triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trong đó, 37% thí sinh đăng ký bài thi khoa học tự nhiên và 63% thí sinh chọn bài thi khoa học xã hội.
“Tỷ lệ thí sinh chọn thi các môn khoa học xã hội cao nhất trong vòng 7 năm qua. Đây cũng là một trong những nguyên nhân các trường đại học khối xã hội, nhân văn năm nay điểm chuẩn tăng vọt, điều này đã được các trường dự báo từ trước”, PGS Hương nói.